Mô tả
Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, trong cuộc sống ở nơi này, nơi khác còn vi phạm; vẫn còn có người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, truy tố và xét xử không đúng pháp luật, thậm chí làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Khi đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định vụ án đã làm oan người vô tội thì việc tổ chức xin lỗi và bồi thường thiệt hại không kịp thời, khiến người bị oan bức xúc, dư luận không đồng tình.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta trong thời gian qua tuy đã có nhiều chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực, nhưng chất lượng một số dự án luật còn hạn chế; vẫn còn văn bản pháp luật đã được Quốc hội thông qua, chưa có hiệu lực thi hành đã phải tạm dừng để sửa đổi, bổ sung. Hệ thống pháp luật còn bất cập, có những quy định trong luật chưa cụ thể nhưng không có văn bản hướng dẫn kịp thời; một số văn bản pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.
Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tuy đã được nâng lên, nhưng việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án còn kéo dài; việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự trong một số vụ án chưa thật thuyết phục, thiếu căn cứ; bản án của tòa án chưa căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa…
Bộ luật Hình sự 2015 đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ngày 20-6-2017 theo Luật số 12/2017/QH14 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2018; đồng thời Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và một số luật khác.
Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có nhiều quy định mới. Việc hiểu và áp dụng chính xác hai Bộ luật này là rất quan trọng.