Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là cơ quan quyết định cao nhất của Công ty cổ phần, gồm tất cả
cổ đông có quyền biểu quyết.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020, Đại hội đồng cổ đông có thể được tổ chức họp thường niên hoặc họp bất thường.
Việc triệu tập họp ĐHĐCĐ thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát tùy vào từng trường hợp theo quy định tại Điều 140 Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, khi hai cơ quan này không tiến hành việc triệu tập họp ĐHĐCĐ thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khách nhỏ hơn theo điều lệ công ty có quyền đại diện Công ty tiến hành triệu tập họp ĐHĐCĐ. Có thể thấy rằng quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông của Công ty, đặc biệt đối với các
cổ đông có tỷ lệ nắm giữ cổ phần thấp.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát không tiến hành việc triệu tập họp ĐHĐCĐ theo quy định dẫn đến việc vi phạm nghiêm trọng các quyền lợi hợp pháp của các cổ đông trong Công ty.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, pháp luật cho phép nhóm cổ đông nắm giữ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khách nhỏ hơn theo điều lệ công ty có quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường. Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2020 không quy định cụ thể trình tự thủ tục triệu tập họp ĐHĐCĐ đối với trường hợp nhóm cổ đông triệu tập họp bất thường.
Như vậy, để đảm bảo cuộc họp ĐHĐCĐ do nhóm cổ đông có quyền triệu tập được hợp pháp, cần có 03 lưu ý đặc biệt sau đây:
1. Chứng minh việc có quyền triệu tập họp của nhóm cổ đông:
Nhóm cổ đông chiếm 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khách nhỏ hơn theo điều lệ công ty, chỉ có quyền triệu tập họp khi đã yêu cầu Hội đồng quản trị Công ty triệu tập họp mà
Hội đồng quản trị không tiến hành việc triệu tập họp trong vòng 30 ngày kể ngày yêu cầu và Ban kiểm soát Công ty cũng không tiến hành triệu tập họp ĐHĐCĐ trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm hết 30 ngày mà Hội đồng quản trị Công ty không tiến hành triệu tập họp.
Luật doanh nghiệp không quy định cụ thể việc
nhóm cổ đông triệu tập họp phải gửi kèm tài liệu chứng minh quyền triệu tập họp của mình khi gửi thông báo mời họp cho các cổ đông. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc họp ĐHĐCĐ do mình triệu tập họp là hợp pháp theo quy định, khi thông báo mời họp ĐHĐCĐ, nhóm cổ đông cần gửi kèm theo văn bản, tài liệu chứng minh việc đã gửi yêu cầu triệu tập họp cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mà các cơ quan này không tiến hành triệu tập họp theo thời gian quy định. Đồng thời, chứng minh nội dung họp thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Các văn bản, tài liệu này là các văn bản tài liệu gì? Đó có thể là:
- Các công văn, thông báo yêu cầu triệu tập họp mà nhóm cổ đông trước đó cho Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát;
- Các tài liệu, văn bản chứng minh vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong quá trình quản lý, điều hành và kiểm soát hoạt động của Công ty gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông.
2. Tuân thủ đầy đủ các trình tự, thủ tục triệu tập họp:
Luật doanh nghiệp năm 2020 không có một quy định cụ thể về trình tự thủ tục triệu tập họp ĐHĐCĐ trong trường hợp cuộc họp do nhóm cổ đông triệu tập họp bất thường. Tuy nhiên căn cứ vào các quy định tại Điều 139, Điều 141, Điều 142 Luật doanh nghiệp năm 2020 có thể hiểu rằng, cuộc họp ĐHĐCĐ do
nhóm cổ đông triệu tập cũng phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện về trình tự thủ tục như một cuộc họp ĐHĐCĐ thông thường.
Nhóm cổ đông triệu tập họp cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục sau:
- Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp;
- Cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách cổ đông;
- Lập chương trình và nội dung cuộc họp;
- Chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp;
- Dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo nội dung dự kiến của cuộc họp; danh sách và thông tin chi tiết của các ứng cử viên trong trường hợp bầu thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;
- Xác định thời gian và địa điểm họp;
- Gửi thông báo mời họp đến từng cổ đông có quyền dự họp theo quy định của Luật này;
- Các công việc khác phục vụ cuộc họp.
Trên thực tế, khi nhóm cổ đông triệu tập họp sẽ gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các thủ tục trên. Một trong các khó khăn đó là nhóm cổ đông này không có được trong tay danh sách đầy đủ của các
cổ đông hiện tại của Công ty. Mà công tác đầu tiên trong việc triệu tập họp cần phải có danh sách cổ đông tại thời điểm triệu tập họp. Căn cứ vào thông tin trên danh sách cổ đông hiện tại, nhóm cổ đông lập danh sách cổ đông để tiến hành các thủ tục thông báo mời họp cũng như xác định tỷ lệ % cổ đông dự họp có đạt tỷ lệ để tổ chức họp ĐHĐCĐ theo quy định tại Điều 141 Luật doanh nghiệp hay không (Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định).
Mặc dù theo quy định, nhóm cổ đông có quyền yêu cầu Công ty cung cấp danh sách cổ đông nhưng thông thường các trường hợp cuộc họp ĐHĐCĐ do nhóm cổ đông triệu tập họp là những cuộc họp mà Công ty đang có các
tranh chấp hoặc mâu thuẫn nội bộ. Do vậy, nhóm cổ đông rất khó để có được các tài liệu cần thiết để có thể tiến hành triệu tập họp theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
3. Xác định chính xác tỷ lệ thông qua Biên bản, nghị quyết ĐHĐCĐ
Cuộc họp ĐHĐCĐ chỉ được thông qua khi đạt được các tỷ lệ biểu quyết nhất định theo quy định của pháp luật.
Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định điều kiện thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ như sau:
1.Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:
a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;
c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn;
đ) Tổ chức lại, giải thể công ty;
e) Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
2. Các nghị quyết khác được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
Như vậy, con số 65% và trên 50% (quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 là ít nhất 51%) là những con số về tỷ lệ mà người triệu tập họp cần hết sức lưu ý. Nhận thấy rằng, nhóm cổ đông thường là những người không trực tiếp tham gia việc quản lý điều hành doanh nghiệp do đó rất dễ bị lúng túng và nhầm lẫn về việc xác định tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết ĐHĐCĐ tại cuộc họp ĐHĐCĐ. Những người triệu tập họp này thường nhầm lẫn giữa tỷ lệ % đủ điều kiện tổ chức họp ĐHĐCĐ với tỷ lệ % biểu quyết thông qua nội dung Nghị quyết cuộc họp ĐHĐCĐ.
Nếu cuộc họp ĐHĐCĐ được triệu tập lần đầu thì số cổ đông dự họp phải đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết hoặc một tỷ lệ khác do điều lệ quy định. Như vậy, nội dung của nghị quyết ĐHĐCĐ gồm các nội dung nêu tại khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp chỉ được thông qua khi tỷ lệ đạt: 65% của trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của Công ty.
Đã có rất nhiều trường hợp, người quản lý điều hành công ty vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của cổ đông, buộc các nhóm cổ đông có quyền phải triệu tập họp ĐHĐCĐ nhưng đa số các cuộc họp này đều không được thành công bởi đã gặp phải một trong ba vấn đề nêu trên. Sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý trong những trường hợp này là rất quan trọng. Giúp các nhóm cổ đông có thể có được các “bước đi” chính xác trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình.
Trong trường hợp bạn đang gặp phải thắc mắc ở vấn đề tổ chức họp đại hội đồng cổ đông, hoặc Doanh nghiệp của bạn đang cần cố vấn vấn đề này, LETO sẵn lòng trao đổi và hướng dẫn giúp bạn!
----------------------
🎯𝐋𝐄𝐓𝐎 𝐒𝐭𝐫𝐚𝐭𝐞𝐠𝐢𝐜 𝐒𝐨𝐥𝐮𝐭𝐢𝐨𝐧𝐬 – 𝑇ℎ𝑎́𝑜 𝑔𝑜̛̃ 𝑚𝑜̣𝑖 𝑛𝑢́𝑡 𝑡ℎ𝑎̆́𝑡!
----------------------
📞Phone: 19006258
📮Email: info@leto.vn
📌Địa chỉ: A11 Toong, 2nd floor, 25T2 Building, Hoang Dao Thuy Str., Cau Giay Dis., Hanoi, Vietnam
🌎Website: https://leto.vn/
#LETO #Strategic #Solution #legal #Tax #Marketing #Fund #Management #HRM #M&A #Analytics #Operation #Transformation
#RiskManagement #Compliance #LegalHR