Khi bạn soạn thảo hay rà soát một hợp đồng mua bán hàng hóa, việc vô cùng quan trọng là phải biết được điều khoản nào là quan trọng nhất và những điều khoản nào cần phải chú ý! Nắm được những điều này sẽ giúp bạn tránh được các vấn đề xấu có thể xảy ra trong suốt quá trình giao dịch và tăng khả năng bảo đảm được các lợi ích của bạn kỳ vọng từ giao dịch đó.
Hợp đồng mua bán là hợp đồng đưa ra các điều khoản của giao dịch hàng hóa hoặc dịch vụ. Nó xác định:
- Người mua,
- Người bán hàng,
- Hàng hóa,
- Các điều khoản quan trọng khác.
Trên hết, hãy chú ý đến 5 yếu tố sau:
Điều khoản mô tả hàng hóa
Điều khoản mô tả hàng hóa luôn luôn là điều khoản quan trọng nhất trong một hợp đồng mua bán. Đâylà điều khoản mang tính quyết định đến toàn bộ các nội dung đàm phán còn lại của các bên trong hợp đồng, nhưng lại thường bị coi nhẹ hoặc thiếu tập trung nhất! Sự không làm rõ này phần lớn là do các bên đã bắt đầu một giao dịch bằng cách tin tưởng lẫn nhau hoặc thiếu kiến thức để hiểu được mình cần phải làm rõ điều gì? Nhưng ở một số tình huống nguy hiểm hơn, sự không làm rõ này lại bắt nguồn tự sự dẫn dắt mang tính chủ ý (có ý đồ) của một bên.
Những nội dung cần làm rõ trong phần mô tả hàng hóa thường là:
- Kiểu/Loại sản phẩm
- Mã sản phẩm;
- Quy cách đóng gói: Trọng lượng/Thể tích;
- Tiêu chí đánh giá sản phẩm: Cảm quan (Màu sắc, kích thước, trạng thái) + Chất lượng chủ yếu;
- Ngày sản xuất – Hạn sử dụng;
Khi làm rõ thông tin sản phẩm sẽ đảm bảo được rằng bên giao hàng sẽ giao đúng hàng và bên nhận hàng sẽ nhận được hàng đúng. Các thỏa thuận khác của giao dịch sẽ có xu hướng dễ dàng đàm phán hoặc tự giải quyết được khi người mua thấy rằng họ có được đúng thứ sản phẩm họ cần.
Điều khoản giao hàng
Điều khoản giao hàng quyết định đến sự thành công và viên mãn của một giao dịch. Việc giao hàng không đúng thời điểm hoặc địa điểm đều có thể dẫn đến tranh chấp hoặc vỡ giao dịch. Việc xác định rõ thời điểm/thời hạn và địa điểm giao hàng sẽ giúp các bên dễ dàng xác định được trách nhiệm về việc chịu rủi ro hàng hóa từ khi rời kho bên bán cho đến khi bàn giao tại điểm bàn giao thuộc về bên nào.
Điều khoản quy định thời gian kiểm tra/dùng thử
Nhiều hợp đồng mua bán không đề cập đến khoảng thời gian này. Thời gian này là thời gian cho bên mua kiểm tra hàng hóa sau khi được giao hàng để chắc chắn rằng lô hàng nhận thực tế đã đúng với lô hàng mà hai bên đã ký kết mua bán. Khoảng thời gian này sẽ khác nhau tùy theo loại hàng hóa khác nhau.
Ví dụ: Những mặt hàng có hạn sử dụng ngắn, có thể dùng ngay như thực phẩm, thì người mua có thể kiểm tra và xác nhận ngay tại thời điểm bàn giao lô hàng. Với những mặt hàng cần lắp đặt và sử dụng theo hướng dẫn sử dụng như máy móc/dây chuyền, người mua cần nhiều thời gian hơn để kiểm tra/dùng thử (Có thể là nhiều ngày hoặc nhiều tháng).
Điều khoản bảo hành
Bên mua thường bỏ qua điều khoản quy định trách nhiệm bảo hành thực hiện bởi bên bán bởi sự tin tưởng vào lời hứa của bên bán hoặc sự tin tưởng vào mối quan hệ hoặc bất cứ điều gì đó đã dẫn đến sự kết nối và tương tác làm việc của hai bên. Đôi khi là tin vào sự thỏa thuận của các nhân viên đại diện hai bên trong quá trình họ tương tác với nhau. Trên thực tế, nếu bên bán không chủ động đưa ra điều khoản bảo hành hoặc từ chối điều khoản bảo hành, thì càng chứng tỏ rằng hàng hóa họ sẽ bàn giao khó có thể được thực sự như họ đã giới thiệu và cam kết.
Điều khoản thanh toán
Tổng giá trị của đơn hàng là thứ rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Hợp đồng cần làm rõ các yếu tố nội dung liên quan đến việc thanh toán như:
- Thanh toán được thực hiện thành mấy lần?
- Thanh toán bằng loại tiền tệ nào? Và nếu có liên quan đến ngoại tệ, thì sẽ áp dụng theo tỷ giá nào? Tại thời điểm nào? Niêm yết tại đâu?
- Thời hạn cho mỗi lần thanh toán là bao lâu? Tính từ thời điểm nào? Các thời gian được coi là thời gian loại trừ, không tính vào thời hạn thanh toán?
- Việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua tiền mặt hay chuyển khoản? Nếu chuyển khoản thì chuyển khoản qua tài khoản nào? Từ tài khoản nào?
- Phương thức giải quyết cụ thể trong trường hợp Bên mua chậm trả?
Việc thỏa thuận rõ ràng Điều khoản thanh toán sẽ giúp Bên bán có thể tính mức lãi cụ thể nếu chậm được thanh toán cũng như giúp Bên mua có kế hoạch tài chính rõ ràng và chu đáo hơn cho việc thanh toán giao dịch để giảm thiểu xác suất xảy ra tình trạng chậm trả.
Trên đây là
05 yếu tố quan trọng trong một hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong trường hợp bạn
cần xin mẫu hợp đồng, bạn có thể liên hệ tới LETO để được cung cấp miễn phí;
Trường hợp bạn muốn được đại diện soạn thảo, review, đàm phán hợp đồng, tham khảo dịch vụ của LETO
tại đây!
Trường hợp bạn muốn nâng cấp nghiệp vụ hợp đồng trong Doanh nghiệp, vui lòng tham khảo
Khóa huấn luyện kỹ năng hợp đồng!
--- Trần Kiên – Trưởng ban biên tập LETO ---