Tranh chấp cổ đông có thể phát sinh theo một số cách, với các lý do phổ biến là do sự quản lý và vận hành hoạt động của công ty, các cổ đông không còn kỳ vọng hoặc không còn làm việc với doanh nghiệp. Ngoài ra, các lý do cũng thường gặp là:
- Các vấn đề cá nhân cổ đông ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh doanh,
- Xung đột lợi ích,
- Phân chia và chi trả cổ tức,
- Lo ngại về các hoạt động bất hợp pháp hoặc gian lận có thể xảy ra của bất kỳ một hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, cũng như các vi phạm của Giám đốc công ty.
- …
Tranh chấp thường leo thang vì các bên không hiểu rõ các quyền hợp pháp của họ và, có thể, không hiểu các lựa chọn và chiến lược tốt nhất cho các xung đột này.
Kiểm tra thỏa thuận cổ đông và các điều khoản của Công ty
Khi bắt đầu có dấu hiệu tranh chấp cổ đông, hãy luôn bắt đầu việc nghiên cứu Điều lệ và bất cứ Thỏa thuận cố đông nào đang tồn tại và được thừa nhận để hiểu các quy tắc chính chi phối công ty và các cổ đông. (Sau đây gọi chung Điều lệ và tất cả các Thỏa thuận cổ đông có thể có là “Thỏa thuận cổ đông”).
Thỏa thuận cổ đông nên bao gồm một số điều khoản có thể hướng dẫn giải quyết bất kỳ tranh chấp nào. Việc này có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc và tránh làm tình trạng trầm trọng hơn. Thông thường, sẽ có một thủ tục được thỏa thuận để buộc một cổ đông bán cổ phần của họ với mức định giá đã định trong một số trường hợp nhất định. Với các trường hợp thoái vốn như vậy, cần nghiên cứu các quy định của Luật Doanh nghiệp.
Nếu bạn chỉ có các điều khoản tiêu chuẩn và chưa có thỏa thuận cổ đông chính thức (Dạng thường thấy là Điều lệ theo mẫu chung, ghi nhận theo Luật Doanh nghiệp và chưa hình thành bất cứ một Điều lệ chính thức nào ghi nhận ý chí của cổ đông), thì Công ty của bạn thực sự cần nghiêm túc xây dựng ngay một Điều lệ chính thức.
Khi đã có tranh chấp, có thể khó đạt được thỏa thuận về bất cứ điều gì. Vì thế, đàm phán thỏa thuận cổ đông để giải quyết không chỉ vấn đề hiện tại mà cả những vấn đề trong tương lai.
Việc đưa ra một thỏa thuận cổ đông cũng hữu ích trong việc tìm hiểu xem công ty sẽ được điều hành như thế nào cũng như quyền hạn và giới hạn đối với khả năng ra quyết định của mỗi cổ đông và các vị trí điều hành trong khối vận hành.
Quá trình thảo luận trước về cách thức điều hành công ty và những gì mỗi cổ đông có thể làm trong các tình huống khác nhau trong tương lai thường rất hữu ích vì nó có thể làm nổi bật những khó khăn/rủi ro tiềm ẩn ở giai đoạn đầu.
Đề xuất một giải pháp tại một cuộc họp chung để khắc phục tình hình
Căn cứ vào
Luật Doanh nghiệp, điểm c khoản 3 Điều 136 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN) quy định HĐQT “phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông” trong trường hợp “theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này”. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông này là cổ đông hoặc nhóm cổ đông “sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”.
Khoản 3 Điều 114 LDN cũng quy định rõ các trường hợp nhóm cổ đông này được quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐBT gồm: HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; nhiệm kỳ của HĐQT đã vượt quá 6 tháng mà HĐQT mới chưa được bầu thay thế; trường hợp khác theo quy định của Điều lệ công ty.
Đối với công ty đại chúng, Điều lệ mẫu của công ty đại chúng do Bộ Tài chính ban hành theo Thông tư số 95/2017/TT-BTC (Điều lệ mẫu CTĐC) cũng quy định cổ đông, nhóm cổ đông giữ từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng có quyền yêu cầu HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐBT.
Nhìn chung, hầu hết các quyết định của cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông đều được thực hiện bằng đa số phiếu biểu quyết (nghị quyết thông thường). Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp chỉ định một số quyết định (có thể coi là nghị quyết đặc biệt) thì sẽ phải đáp ứng một tỷ lệ tối thiểu số cổ đông biểu quyết để được thông qua.
Bằng cách triệu tập một cuộc họp chính thức như vậy, bất đồng giữa các cổ đông đôi khi có thể được giải quyết đơn giản bằng quyền biểu quyết hoặc thông qua các cuộc thảo luận trực tiếp, thẳng thắn về chủ đề chung của cuộc họp.
Tham khảo:
Tài liệu tổ chức Đại hội đồng cổ đông
Bổ nhiệm giám đốc và các cố vấn khác
Một số công ty tôi đã từng cố vấn trước đây sử dụng một Giám đốc cố vấn hoặc Người cố vấn (Advisors) không tham gia vào việc điều hành công ty hàng ngày để giải quyết các tranh chấp giữa các cổ đông thông qua hòa giải và cố gắng đưa các bên ngồi lại với nhau , đặc biệt là những trường hợp mà các cổ đông gần như không tương tác với nhau nữa.
Nếu tranh chấp giữa các cổ đông liên quan nhiều hơn đến chiến lược và quản lý của công ty (các quyết định như vậy do hội đồng quản trị đưa ra), thì công ty có thể giải quyết bằng một giải pháp thông thường của đa số cổ đông hoặc của đa số hội đồng quản trị, chọn bổ nhiệm bổ sung một giám đốc (hoặc nhiều hơn) để tham gia điều hành công ty. Việc này có thể giúp hội đồng quản trị tránh được bế tắc hoặc thuận lợi hơn cho mong muốn của một số cổ đông.
Đưa một giám đốc khác vào (hoặc bổ nhiệm một giám đốc khác chẳng hạn như cố vấn hội đồng quản trị) để giải quyết xung đột hoặc đưa ra quan điểm mới mẻ và có kinh nghiệm có thể làm nên điều kỳ diệu, đặc biệt là đối với các công ty chỉ có hai chủ sở hữu (TNHH 2TV) hoặc có hai Cổ đông lớn chi phối (CP).
Đàm phán
Vì lợi ích của việc giữ các mối quan hệ thân tình nhất có thể và giảm khả năng dính vào các vụ kiện tốn kém và mất thời gian, trước tiên, hãy ưu tiên việc thương lượng một thỏa hiệp khả thi thay vì dựa vào các quyền pháp lý nghiêm ngặt. Thương lượng một giải pháp luôn luôn tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn là kết thúc tại tòa án.
Sự tham vấn của Luật sư có kinh nghiệm ở giai đoạn này là rất quan trọng để việc thương lượng này có thể diễn ra và đạt kết quả được như kỳ vọng.
Lý tưởng nhất là có thể đạt được một giải pháp cho phép cổ đông có quyền ở lại với công ty. Nếu điều đó là không thể, các lựa chọn phổ biến là để các cổ đông khác mua lại cổ đông bị vi phạm và/hoặc công ty mua lại cổ phần của cổ đông bị vi phạm với mức giá đã thỏa thuận. Giá thường sẽ bao gồm một yếu tố xem xét trì hoãn thanh toán.
Nguyên nhân tranh chấp từ quan hệ lao động
Nếu cổ đông là nhân viên và có tranh chấp lao động, như: sa thải không công bằng, trả lương thừa, phân biệt đối xử, kỷ luât, v.v. thì một nội dung cần xem xét trong việc giải quyết tranh chấp cổ đông là chấm dứt hợp đồng lao động của cổ đông theo pháp luật lao động.
Định giá
Để giúp thống nhất về mức giá cổ phần mà cổ đông có thể được mua lại, bạn nên lựa chọn một tổ chức định giá độc lập hoặc kiểm toán chuyên định giá các công ty trong ngành của bạn. Sau khi đưa ra các tiêu chí nhất định cần được xem xét, các bên tranh chấp có thể đồng ý tuân theo bất kỳ định giá nào được đưa ra và hoàn thành giao dịch dựa trên con số đó.
Các chuyên gia tư vấn định giá mà chúng tôi làm việc luôn sẵn lòng tiến hành các cuộc thảo luận ban đầu và xem xét thông tin mà không mất chi phí để đưa ra một báo giá. Nếu bạn có nhu cầu, chúng tôi rất vui được hỗ trợ cho bạn.
Hòa giải
Nếu các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan không có kết quả, thì việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thường là điều nên làm.
Hòa giải, sử dụng
Luật sư độc lập hoặc Hòa giải viên để hướng đến điều kiện đồng thuận trong bí mật và không lộ thông tin tranh chấp, có thể giúp tránh tranh chấp leo thang và không gây ra các ảnh hưởng liên quan đến hoạt động của Doanh nghiệp (Ảnh hưởng quan hệ hợp tác/Giảm giá cổ phần niêm yết/…).
Hòa giải luôn nhanh chóng và rẻ hơn so với quy trình của Tòa án và có tỷ lệ thành công đáng ngạc nhiên ngay cả khi các bên tin rằng mối quan hệ của họ đã đổ vỡ không thể cứu vãn. Ước tính, trên 90% các vụ việc tranh chấp được đưa ra hòa giải. Tôi đã tham gia vào các cuộc hòa giải mà các bên đã tham gia vào các cuộc thảo luận bế tắc kéo dài trong nhiều tháng, nhưng trong vòng một ngày hoặc ít hơn sau khi hòa giải, các bên đã tìm ra cách giải quyết vấn đề của họ.
Hòa giải viên thường cố gắng đạt được sự đồng thuận thông qua các cuộc thảo luận thẳng thắn trong sự kết hợp giữa các cuộc họp với tất cả các bên có mặt và các cuộc họp riêng với bên này hoặc bên kia. Không giống như một phiên tòa, không có thẩm phán để xác định ai đúng hay sai, điều này mang lại cho các bên cơ hội để xem xét nhiều giải pháp khả thi hơn và linh hoạt hơn nhiều trong việc giải quyết những mâu thuẫn của họ trong khi loại bỏ rủi ro, sự không chắc chắn, chi phí và căng thẳng khi kiện tụng.
Hòa giải không phải lúc nào cũng là câu trả lời cho một số trường hợp, nhưng với chi phí kiện tụng tương đối cao và áp lực mà tòa án đang đặt ra, sẽ là không khôn ngoan nếu không nghiêm túc xem xét cơ hội một phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế mà hòa giải mang lại.
Tham khảo:
03 lưu ý đặc biệt khi tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường do nhóm cổ đông triệu tập
Bán toàn bộ công ty
Một cách rõ ràng để giải quyết tranh chấp và cho phép tất cả các bên tiếp tục mà không cảm thấy một bên đang có lợi hơn bên kia là tất cả các cổ đông hiện hữu thỏa thuận việc bán công ty cho một bên khác. Sẽ không còn tồn tại tranh chấp nào cả!
Mặc dù thất vọng vì nghĩ rằng giá trị của công ty sẽ đáng giá hơn trong tương lai, một cổ đông có thể chấp nhận bán cổ phần của mình cùng với người đồng sáng lập do mối quan hệ của họ cuối cùng đã tan vỡ không thể hàn gắn sau nhiều bất đồng. Việc đó cho phép các cổ đông không còn bị mắc kẹt khi làm việc với một/những người mà họ không vừa mắt.
Tham khảo:
Cấu trúc thỏa thuận M&A
Pha loãng cổ phần
Việc phát hành cổ phần mới có thể làm giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần cũ. Khi số lượng cổ phần đang lưu hành tăng lên, các cổ đông hiện hữu sẽ nắm giữ một tỷ lệ nhỏ hơn hoặc bị pha loãng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cổ đông hiện hữu có quyền ưu tiên hoặc quyền chọn mua cổ phiếu mới phát hành trước. Do đó, lựa chọn này có thể không loại bỏ tất cả các tranh chấp nếu quyền ưu tiên không bị từ bỏ và mọi người đều thực hiện quyền ưu tiên của mình.
Cho dù các cổ đông có thể từ chối áp dụng quyền ưu tiên, một công ty có thể thực hiện việc phát hành quyền chính thức/chào bán trước (theo đúng quy trình). Điều này có thể được sử dụng để làm loãng tỷ lệ chiếm hữu của cổ đông không active, khi công ty yêu cầu đầu tư thêm và các cổ đông khác đăng ký mua cổ phiếu ở mức định giá nhất định được nêu trong thư chào bán. Tất nhiên điều này dựa trên tiền đề rằng cổ đông không hoạt động không muốn bỏ thêm tiền vào công ty để duy trì quyền sở hữu cổ phần của họ.
Một công ty thường có thể không áp dụng quyền ưu tiên đối với việc phát hành cổ phiếu mới bằng cách thông qua nghị quyết đặc biệt và phát hành cổ phiếu mới mà không cần sự biểu quyết của cổ đông mà công ty có ý định pha loãng. Tuy nhiên, điều này thường có thể dẫn đến khiếu nại về sự không công bằng, dẫn đến việc kiện tụng.
Ngoài các phương thức trên đây, trên thực tế cũng còn nhiều cách giải quyết tranh chấp cổ đông, tùy thuộc vào bản chất của sự tranh chấp.
Lời khuyên vẫn là: “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”!
Việc xây dựng một Điều lệ/Thỏa thuận cổ đông chính thức, ghi nhận đầy đủ mối quan hệ cổ đông, vận hành và các Quyền và Nghĩa vụ của các cổ đông và những vị trí điều hành, quy định về các tình huống tranh chấp có thể có, kèm theo các hướng dẫn chi tiết về phương thức giải quyết tranh chấp ngay từ bây giờ là điều cần nghiêm túc được làm! Hãy làm nó ngay!