MANAGEMENT CONSULTING
“We give you the strategic solutions to speed up your business”
Book a call from LETO
0
Thông báo

Pháp lý Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm

Cập nhật:09/07/2019
Lượt xem:1669

VẤN ĐỀ PHÁP LÝ
ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT MỸ PHẨM

Pháp lý Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm

Chào bạn!

Nếu Bạn đang chuẩn bị khởi nghiệp một Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm hoặc Bạn là một chuyên viên cố vấn hoặc chuyên viên pháp lý của một Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm, thì bài viết này chính xác là bài viết bạn nên đọc!

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cho bạn những vấn đề pháp lý cơ bản xuất hiện ở một Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm để bạn tham khảo. Tất nhiên, sự “cơ bản” mà tôi đề cập ở đây sẽ không bao gồm rất nhiều những vấn đề khác mang tính chủ thể hóa sẽ xuất hiện theo các hình thái khác nhau ở các mô hình và các quy mô khác nhau.

Hiểu Doanh nghiệp – Hiểu Pháp chế! Đây là tư duy tôi vẫn luôn sử dụng trong nghiên cứu và chia sẻ về các vấn đề Pháp lý Doanh nghiệp. Vì vậy, cách dễ dàng nhất để bạn có thể hiểu được vấn đề Pháp lý đối với Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm, là hãy bám theo trình tự, giai đoạn và mô hình của Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm. Cụ thể, chúng ta sẽ lần lượt làm rõ các vấn đề pháp lý theo quy trình sản xuất kinh doanh như sau:

 1. Giai đoạn hình thành Doanh nghiệp:

Ở giai đoạn này, có rất nhiều thứ Doanh nghiệp cần chuẩn bị để chuyển hóa từ giai đoạn quan hệ Co-Founder sang giai đoạn Doanh nghiệp. Những thứ này tôi đề cập đến ở các bài viết:

  • Tổng quan pháp lý Doanh nghiệp;
  • Cạm bẫy khởi nghiệp;

Trong bài viết này, tôi lưu ý khía cạnh pháp lý để thực hiện hoạt động sản xuất mỹ phẩm. Đó là: Doanh nghiệp cần đăng ký kinh doanh ngành nghề sản xuất mỹ phẩm. Tất nhiên sản xuất xong không để đó, mà sẽ còn tiến hành hoạt động kinh doanh, vì thế, các bạn có thể lưu ý đăng ký kinh doanh ngành nghề bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm và xuất nhập khẩu các mặt hàng công ty kinh doanh.

2. Giai đoạn chuẩn bị sản xuất:

Giai đoạn này là giai đoạn Doanh nghiệp tập hợp các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất, bao gồm:

2.1 Thuê kho xưởng:

Tùy theo quy mô sản xuất mà khu vực sản xuất có thể chỉ chiếm một phòng trong chính trụ sở công ty hoặc thuê xưởng sản xuất độc lập để set up khối sản xuất.

Đối với việc thuê kho xưởng, cần lưu ý vấn đề Hợp đồng thuê trên cơ sở thời hạn, giá, đối tượng cho thuê, ghi nhận chi phí thuê đầu vào tương tự như một kho xưởng bình thường. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, kho xưởng này có thể được bố trí cải tạo lại các khu vực cho phù hợp với hoạt động sản xuất mỹ phẩm. Các điều kiện về kho xưởng sẽ được đề cập đến ở phần SẢN XUẤT tiếp theo.

2.2 Chuẩn bị nhân sự:

Đội ngũ nhân sự xét về năng lực trình độ và số lượng cũng phụ thuộc vào quy mô sản xuất và loại mỹ phẩm sản xuất để xác định phù hợp.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, đối với một cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thì Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.

2.3 Nhập nguyên vật liệu đầu vào:

Khi tiến hành sản xuất một sản phẩm mỹ phẩm, chúng ta sẽ bám theo một công thức đã được xác định kèm theo các tiêu chuẩn để bảo đảm rằng sản phẩm sản xuất ra phải đạt theo tiêu chuẩn đó. Các tiêu chuẩn này có thể là Tiêu chuẩn từ nước ngoài công bố hoặc Tiêu chuẩn Việt Nam đã ban hành (TCVN) hoặc các Tiêu chuẩn mà Doanh nghiệp của bạn đặt ra để quản lý chất lượng của sản phẩm trong quá trình sản xuất.

Theo đó: Nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

2.4 Nhập bao bì đóng gói sản phẩm:

Các sản phẩm mỹ phẩm sẽ được đóng gói tùy theo dạng sản phẩm và thiết kế của Doanh nghiệp bạn, có thể là Bao bì hộp giấy, Túi nhựa PE/PP, Lọ thủy tinh, Hộp nhựa PP, Lọ nhôm, …

Các bao bì này phải đủ điều kiện lưu hành ra thị trường thông qua việc Nhà sản xuất/Nhà cung cấp bao bì đã công bố tiêu chuẩn cơ sở để quản lý chất lượng của bao bì trong quá trình sản xuất/kinh doanh. Điều đó có nghĩa là: khi nhập bao bì sản phẩm, ngoài Hợp đồng kinh tế và các chứng từ mua hàng đi kèm, Doanh nghiệp của bạn sẽ còn cần yêu cầu Nhà cung cấp cung cấp cho bạn Hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm đã ban hành và công bố.

2.5 Nhập dây chuyền, máy móc, công cụ sản xuất:

Tùy theo loại sản phẩm và quy mô sản xuất mà xác định được loại và số lượng máy móc, công cụ, dụng cụ dung trong sản xuất.

Pháp luật không quy định cụ thể và giới hạn về dây chuyền máy móc, công cụ sản xuất đối với mỹ phẩm. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của bạn dùng loại máy móc, công cụ dụng cụ nào thì cũng cần lưu ý 02 vấn đề sau:

  • Có chứng từ đầu vào (hóa đơn mua) đối với các máy móc, công cụ, dụng cụ;
  • Máy móc, công cụ, dụng cụ đáp ứng các tiêu chuẩn về máy móc, công cụ tương ứng theo tiêu chuẩn của nhà cung cấp hoặc TCVN hoặc hợp quy theo Quy chuẩn Việt Nam nếu máy móc đó đã được ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam tương ứng.

3. Giai đoạn sản xuất:

Ở giai đoạn này, để chính thức thực hiện sản xuất sản phẩm, bạn cần lưu ý rằng Công ty bạn phải được Sở y tế địa phương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, cơ sở sản xuất phải đáp ứng các điều kiện:

  • Điều kiện về nhân sự:
Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.
  • Điều kiện về cơ sở vật chất:

a) Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;

b) Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.

  • Có hệ thống quản lý chất lượng

Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm;

Có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm;

Khi đã chuẩn bị kho xưởng đáp ứng các điều kiện trên, Doanh nghiệp của bạn sẽ cần chuẩn bị Hồ sơ đăng ký gửi tới Sở y tế. Hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Sơ đồ mặt bằng và thiết kế của cơ sở sản xuất;

c) Danh mục thiết bị hiện có của cơ sở sản xuất;

Sở y tế sau khi tiếp nhận và đánh giá hồ sơ ổn thỏa, sẽ tiến hành thành lập đoàn thẩm định để tới đánh giá mức đáp ứng của cơ sở sản xuất của bạn trên thực tế, từ đó, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

4. Giai đoạn thành phẩm:

Ở giai đoạn này, sản phẩm đã được sản xuất xong và đi đến bước đóng gói, chuẩn bị sẵn sàng đưa ra thị trường, giai đoạn này cần lưu ý một số vấn đề sau:

Dán nhãn sản phẩm với nội dung nhãn phù hợp quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa;

Đăng ký mã số mã vạch sản phẩm tại Trung tâm GS1 – Tổng cục đo lường để sử dụng mã vạch quản lý sản phẩm trong quá trình kinh doanh;

Đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm trong trường hợp muốn bảo hộ quyền đối với tên sản phẩm hoặc thiết kế nhãn sản phẩm của mình;

Để sẵn sàng đưa sản phẩm ra thị trường, sản phẩm còn phải được tiến hành Đăng ký lưu hành với Sở y tế. Đây là một quy định bắt buộc để sản phẩm đủ điều kiện được lưu hành. Hồ sơ đăng ký lưu hành mỹ phẩm sẽ bao gồm:

  • Phiếu công bố lưu hành mỹ phẩm;
  • Đăng ký kinh doanh;
  • Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (có thể được yêu cầu);
  • Kết quả kiểm nghiệm thành phần mẫu sản phẩm (có thể được yêu cầu);
  • Lệ phí 500.000đ/sản phẩm.

5. Giai đoạn kinh doanh:

Ở giai đoạn này, các lưu ý tùy theo Phương pháp kinh doanh, kênh thị trường, kênh quảng bá truyền thông mà có các vấn đề cần lưu ý khác nhau. Về cơ bản, bạn cần lưu ý các vấn đề:

  • Hợp đồng kinh tế khi bán hàng cho khách hàng;
  • Xuất hóa đơn và kê khai thuế đối với hàng hóa xuất bán;
  • Hợp đồng đại lý hoặc hợp đồng ủy quyền khi phân phối kênh đại lý;
  • Xin cấp phép quảng cáo/tổ chức hội thảo/triển lãm giới thiệu sản phẩm nếu có tổ chức
  • Đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại hoặc thông báo thực hiện chương trình khuyến mại tới Bộ công thương hoặc Sở công thương tùy theo loại hình chương trình khuyến mại nếu có tổ chức.
Trong trường hợp Doanh nghiệp của bạn sản xuất mỹ phẩm nhưng đồng thời có kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm nhập về từ đơn vị khác hoặc nhập khẩu, bạn nên tham khảo thêm bài viết PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP KINH DOANH MỸ PHẨM để có những góc nhìn đầy đủ hơn!

Trên đây là những vấn đề pháp lý cơ bản mà một Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm cần lưu ý. Nếu bạn có thắc mắc nào trong quá trình xây dựng Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm, hãy cởi mở liên hệ với tôi, và tôi sẽ tham vấn giúp bạn để chuẩn hóa hoạt động sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh sản phẩm.

Thân mến!

LETO - Tháo gỡ mọi nút thắt!

Giới thiệu LETO tại đây!
Các chương trình đào tạo tại LETO tại đây!
Liên hệ với LETO qua Facebook: Công ty Luật LETO
Kênh video tư vấn pháp luật miễn phí: Youtube Công ty Luật LETO
Bộ tài liệu pháp lý và quản trị nội bộ Doanh nghiệp: Tài liệu pháp chế
LETO Strategic Solutions
LETO Strategic Solutions
1900 6258

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

info@leto.vn
Hanoi, Vietnam
Skype:
info@leto.vn
Hàng mới Khuyến mại Liên hệ Giỏ hang